PHÂN BÓN TĂNG CAO – NỖI ĐAU ĐẦU CỦA NÔNG DÂN
Giá phân bón cùng các sản phẩm vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Giá phân bón tăng, giá nông sản giảm
Có một nghịch lý là từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thế giới và trong nước đều tăng.
Nhưng ngược lại giá nông sản lại không tăng theo biên độ giá phân bón, thậm chí có nơi giá nông sản còn xuống thấp do gặp khó khăn về xuất khẩu.
Trong khi nông dân đang đối diện với nhiều khó khăn, thậm chí nhiều nơi đã bỏ ruộng, bỏ vườn hoang khi giá phân bón đầu vào tăng quá cao thì các doanh nghiệp phân bón trong nước lại có mức lợi nhuận cao.

Trên cả nước, tình cảnh người nông dân bỏ ruộng hoang do giá phân bón tăng cao ngày càng nhiều lên. Mới đây, đại diện Sở NN & PTNN tỉnh Long An cho biết hiện Long An có hàng nghìn hecta đất giảm trong vụ hè thu là do người dân bỏ canh tác lúa. Do giá vật tư nông nghiệp đang tăng và ảnh hưởng giá phân bón nên nông dân Long An đã giảm diện tích trồng lúa hơn 4.000 hecta. Nguyên nhân chính do người dân canh tác lúa không có lợi nhuận thậm chí lỗ nặng (nhất là người trồng lúa thuê) đã trả đất cho chủ ruộng.
Như vậy, có thể thấy đang có sự trái chiều giữa giá vật tư đầu vào và giá nông sản đầu ra của người nông dân. Điều này đã đặt ra cho các cơ quan điều hành, quản lý chính sách cần có những giải pháp như thế nào để cân bằng thị trường và phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân?
Giá phân bón đang lập đỉnh mới
Ngày 7/3, giá phân bón trong nước sau nhiều lần tăng giá đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay do khan hiếm nguồn cung . Các đại lý trong nước cũng hạn chế nhập hàng và bán hàng ra mặc dù sức mua tăng cao. Diễn biến này xuất phát từ chiến sự ở giữa Nga -Ukraine và giá nhiên liệu xăng dầu thế giới tăng cao.

Một số doanh nghiệp trong nước dự báo trong ngắn hạn, giá Urea sẽ sớm quay trở lại mức 800 USD/tấn trong tháng 4 hoặc có thể lên đến 1.000 USD/tấn nếu giá dầu lên 150 USD/thùng.
Giá phân DAP cũng sẽ trở lại mức 950 USD/tấn trong tháng 4 và khả năng sớm cán mức 1.200 USD/ tấn thậm chí là 1.500 USD/tấn khi thị trường Nam Mỹ như Brazil có nhu cầu trở lại. Phân Kali nhập khẩu thời gian sắp tới cũng sẽ vắng bóng hàng từ Nga nhà cung cấp 30% khối lượng phân, Belarus và các nhà cung cấp khác ở Israel, Canada đã sớm đưa ra mức giá 800 USD/ tấn – 850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200 USD – 1.300 USD/tấn vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Giá phân bón tăng cao làm nông dân điêu đứng
Giá phân bón tăng nhanh liên tiếp, cao nhất trong 50 năm qua, khiến hàng triệu bà con nông dân ở miền Tây lâm vào cảnh chật vật hơn, càng làm càng lỗ.

Nông dân lo giá phân bón tăng cao, chi phí sản xuất quá lớn, làm lúa và hoa màu không đủ chi tiêu cho gia đình.
Hiện tại, phân DAP tăng thêm 100 nghìn một bao (50 kg) lên gần 1,4 triệu đồng/ bao, đạm và kali tăng 40-50.000đ, giá hơn 950.000đ, mức giá cao nhất trong 50 năm qua. Theo bà con, so với hai năm về trước mỗi loại phân đã tăng gấp ba lần, trong khi giá lúa lại từ 6.500 đồng giảm còn 5.900 đồng mỗi kg.
Không chỉ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng đã tăng giá 20-30% so với mùa trước. Do chi phí xăng dầu tăng nên một số dịch vụ nông nghiệp đang tăng theo như chi phí làm đất tăng 200.000đ lên 1.700.000đ/ha, tương tự công thu hoạch tăng thêm 300.000đ lên giá 2.500.000đ/ha. Tổng chi phí đầu tư tăng hơn 40% cách đây hai năm, vào khoảng 23.000.000đ/ha, chưa tính công chủ ruộng bỏ ra.
Nông dân cần thay đổi cách canh tác để giảm bớt chi phí
Trước tình trạng giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã nghiên cứu thổ nhưỡng đất kết hợp với kinh nghiệm sản xuất của nông dân để đề ra phương thức canh tác phù hợp ngay trong vụ đông xuân 2021 – 2022, theo hướng giảm chi phí nên chỉ bón 50% lượng phân hoặc có thể chỉ bón 30% để giảm áp lực khi giá phân bón tăng cao.
Nhiều chuyên gia trong nước cũng khuyến nghị, để thích ứng tốt trong tình hình giá phân tăng cao hiện nay, nông dân cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để giảm mạnh lượng phân bón, thay thế một phần phân vô cơ thành phân bón hữu cơ. Hỗ trợ và khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ nguồn nguyên liệu có sẵn như: phụ phẩm trồng trọt, phân động vật nuôi, rác sinh hoạt,…, để vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, vừa cải tạo đất từ đó giảm sự phụ thuộc phân bón vô cơ nhằm giảm thêm chi phí sản xuất cho nông dân.

Đó chính là giải pháp để thích ứng hiệu quả với giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang không ổn định như bây giờ.
Nguồn: Tổng Hợp